MẶC GIAO
VIẾT TỪ CANADA
VIẾT TỪ CANADA
CHIẾN LƯỢC XÂY ĐẢO CHIẾM BIỂN
CỦA TRUNG QUỐC
CỦA TRUNG QUỐC
Với tựa mục "Reclamation Marks",
tuần báo The Economist của Anh, số ra ngày 28-2-2015 loan tin những tấm hình
chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều đảo nhỏ, cồn, bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa
đã nở rộ việc xây cất như chưa từng thấy. Trung Quốc đã thực hiện việc chiếm
đảo, lấn biển tại những nơi mà Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan và Trung Quốc
đều tranh chấp chủ quyền. Cũng theo báo này, trên đảo Woody, Trung Quốc đã xây
một đường bay dài 2,7 cây số. Tại khu Đá Chữ Thập, một đường bay dài 3 cây số
cũng đã được hoàn thành. Cồn Hughes Reef với diện tích 75,000 thước vuông phủ cát
đã được Trung Quốc biến thành một cơ sở mới từ tháng 8 năm ngoái. Nhiều công trình
khác cũng được thực hiện trên những khu đá ngầm Gaven, Cuarteron, Eldad và Mischief.
(Ghi chú: các đảo, cồn, vùng đá ngầm có tên tiếng Anh do một nhà thám hiểm Anh
đặt. Tên Việt Nam
thì khác, thí dụ Chữ Thập, Vành Khăn v.v..., đặt theo hình dạng).
Sau đó, vệ
tinh của Hoa Kỳ và Úc cũng chụp những tấm hình rất rõ về công trình đắp, xây các
đảo mà Trung Quốc đang thực hiện. Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh do công ty Digital
Globe phổ biến hôm 14-4-2015 cho thấy Trung Quốc đang mở rộng hai đảo Phú Lâm
và Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam. Những
hành động này của Trung Quốc đã vi phạm tuyên ngôn về Ứng Xử ở Biển Đông (DOC)
mà Trung Quốc đã ký với các quốc gia của Hiệp Hội ASEAN năm 2002, theo đó các
nước liên hệ phải tự chế hành động, tránh leo thang xung đột và tôn trọng nguyên
trạng. Trung Quốc nhắm mục đích gì khi gấp rút biến những cồn, bãi thành những
hòn đảo mở rộng và vững chắc? Các nước Đông Nam Á và Hoa Kỳ đã phản ứng ra sao?
Vấn đề Biển Đông sẽ gây những hậu qủa gì cho Việt Nam?
TRUNG QUỐC
NHẮM MỤC TIÊU GÌ?
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Hoa
Xuân Oánh, tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 9-4-2015 rằng những nơi cải tạo (ý
nói những đảo được tăng cường xây cất) sẽ được xử dụng vào mục đích quốc phòng cũng
như cung ứng dịch vụ dân sự mà Bắc Kinh cho rằng có lợi cho các nước khác. Về
quốc phòng, Trung Quốc chỉ muốn tăng cường việc phòng vệ. Về dân sự, Trung Quốc
sẽ dùng các hải đảo cho tàu bè tránh bão và làm căn cứ cứu hộ,.
Ai tin được lối giải thích này? Trung
Quốc đâu có thành tích tử tế bỏ bạc tỷ Đô la để chỉ lo phòng vệ và cứu nạn cho
người khác. Họ có những mục đích khác không nói ra:
1 - Biến những nơi họ đã chiếm bất hợp
pháp thành lãnh thổ vững chắc của họ, đặt quốc tế trước sự đã rồi. Ngoài quần
đảo Hoàng sa với những đảo tương đối lớn, những đảo nhỏ của Trường Sa do Trung
Quốc chiếm chỉ gồm những đảo san hô, cồn cát và đá ngầm (reef), không thuận
tiện cho việc sinh sống. Khi một đảo không có người ở, không có chiếm hữu
thường xuyên thì vẫn bị tranh chấp về chủ quyền. Nay Trung quốc thổi cát, mở
rộng, đắp cao, xây cơ sở, xây bến tàu bằng bê tông, mở đường bay, cho lính đến
đóng và cho cả dân đến ở. Như vậy là họ "xí chỗ" một cách rõ rệt. Những
nơi này sẽ trở thành lãnh thổ bất khả xâm phạm của họ. Từ đó, họ đòi quyền lãnh
hải 12 hải lý tính từ bờ và 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Với hàng chục
địa điểm họ biến thành đảo, đường chín đoạn hình lưỡi bò ở Biển Đông chỉ là sự
tính toán "hợp lý" theo kiểu của họ.
2 - Mục đích quân sự cũng rất rõ rệt.
Những đảo tân tạo sẽ được xử dụng như những hàng không mẫu hạm cố định của
Trung Quốc. Đô Đốc Harry Harris Jr, Tư Lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương của Hải
Quân Mỹ, đã ví : "Đây là một Vạn Lý
Trường Thành trên vùng Biển Đông đang trong vòng tranh chấp... Người ta hoài
nghi về ý đồ của Trung Quốc và tự hỏi liệu Bắc Kinh thực sự muốn hợp tác hay có
ý định đối đầu với các cường quốc khác trong khu vực?" (VOA 2-4-2015).
Vừa phòng vệ vừa đe dọa, sẵn sàng gây hấn và tấn công. Đó là ý đồ thực sự của
Trung Quốc về quân sự.
3 - Tự khẳng định tư cách đại cường bằng việc
sở hữu đảo, biển, có mặt thường xuyên với sức mạnh trên Biển Đông để bắt các nước
nhỏ trong vùng vào khuôn phép và không cho một thế lực nào khác có thể hoành hành
và cạnh tranh với Trung Quốc trong vùng này.
4 - Tự do khai thác tài nguyên thiên
nhiên ở Biển Đông mà không một nước nào có thể ngăn cản.
Không ai là không thấy những toan tính
của Trung Quốc khi tân tạo những hòn đảo để án ngữ những địa điểm chiến lược
trên Biển Đông.
PHẢN ỨNG CỦA
HOA KỲ VÀ CÁC NƯỚC TRONG VÙNG
Dĩ nhiên Hoa Kỳ và các quốc gia trong
vùng không khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc hành động. Họ đã có phản ứng tức thì.
Tổng Thống Mỹ Barak Obama, khi lên tiếng tại
Jamaica ngày 9-4-2015, đã tố cáo Trung Quốc chơi trò lấy thịt đè người: "Chúng tôi lo ngại khi Trung Quốc không
tôn trọng các chuẩn mực và luật lệ quốc tế và khi Trung Quốc xử dụng tầm vóc to
lớn cũng như sức mạnh cơ bắp để buộc các quốc gia khác phải chấp nhận thái độ phụ
thuộc... Mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng ngoại giao. Việc Philippines hoặc Việt Nam không rộng lớn không có nghiã
là họ sẽ bị đẩy ra ngoài lề".
Trước đó,
ngày 19-3-2015, 4 nghị sĩ hàng đầu của Thượng Nghị Viện, các ông John McCain,
Bob Corker thuộc đảng Cộng Hòa và Jack Reed, Bob Menendez thuộc đảng Dân Chủ,
đã công bố thư gửi cho Tổng Thống và Ngoại Trưởng Kerry báo động về mối đe dọa
mà các hành động qúa đáng của trung Quốc tại Biển Đông đang đặt ra cho nước Mỹ
cũng như cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Để chứng tỏ lời nói đi đôi với việc làm, Hoa
Kỳ có những hoạt động tích cực trong vùng Đông Nam Á. Ngày 8-4-2015, tân Bộ Trưởng
Quốc Phòng Ashtor Carter mở cuộc viếng thăm Nhật Bản và sau đó là Nam Hàn, hai
quốc gia có nhiều liên hệ thương mại và quân sự chặt chẽ nhất với Mỹ tại Á
Đông. Tại Tokyo, Bộ Trưởng Carter đã hội đàm với Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật
Nakatami. Trong dịp này, ông Carter đã đưa ra lời cảnh cáo cứng rắn nhằm vào
các hành động "quân sự hóa" các tranh chấp biển đảo. Ông cho biết Mỹ
chủ trương chống dùng võ lực thay đổi hiện trạng, chống quân sự hóa thay đổi
chủ quyền. Trong bài phỏng vấn trên báo Yomiuri Shimbun, ông Carter đã chỉ đích
danh Trung Quốc, cho biết Hoa Kỳ rất lo ngại trước quy mô và tốc độ của các
hoạt động bồi đắp đảo đá của Trung Quốc (Reuters).
Hoa Kỳ cũng gửi 6,500 binh sĩ tham gia
một cuộc tập trận chung với 5,000 quân lính Phi Luật Tân tại Biển Đông từ 20
đến 30-4-2015. Cuộc tập trận hỗn hợp được lấy tên là Balikatan. Ngoại Trưởng
Phi Albert del Rosario sẽ đi Mỹ để thảo luận cụ thể về những hỗ trợ của Mỹ cho
Phi, bao gồm các thiết bị hiện đại cho không quân và hải quân.
Đối với Việt Nam, hai chiến hạm Mỹ đã cặp
bến Tiên Sa, Đà Nẵng để mở cuộc viếng thăm 5 ngày từ 6-4-2015. Khu trục hạm tối
tân USS Fitzgerald có trang bị hỏa tiễn và chiến hạm cận duyên USS Fort Worth được
đặt dưới sự chỉ huy của Đại Tá Mỹ gốc Việt Lê Bá Hùng, 45 tuổi, Phó Tư Lệnh đội
tàu khu trục số 7 thuộc hạm đội 7. Trong thời gian 5 ngày của cuộc viếng thăm, hai
chiến hạm Mỹ và hải quân Việt Nam có các hoạt động huấn luyện về quân y, tìm kiếm
cứu nạn, xử lý những vụ cháy trên tàu, điều khiển máy bay không người lái, máy
bay săn tàu ngầm, thực hành quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn
trên biển. Đặc biệt, nhân cuộc viếng thăm của hai chiến hạm, Bộ Trưởng Hải Quân
Mỹ Ray Mabus cũng đến Đà Nẵng ngày 9 tháng 4. Ông đã hội đàm với Ủy Ban Nhân Dân
thành phố Đà Nẵng. Ông cám ơn thành phố Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho hai tàu Hải
Quân Mỹ viếng thăm giao lưu, hợp tác huấn luyện phi tác chiến với Hải Quân Việt
Nam. Ông nói: "Việc hợp tác giữa hải
quân là quan trọng nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, góp
phần vào mục đích giao thương, phát triển kinh tế biển, không chỉ của hai nước
mà còn cả khu vực và thế giới".
Đó là phản
ứng của những nước ở vòng trong, có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc. Các
nước ở vòng ngoài như Úc, Ấn Độ cũng rục rịch. Theo GS Carl Thayer, Úc có nhiều
liên hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng cũng phải nghĩ tới việc tăng cường hải
quân, đặc biệt là những tàu tìm kiếm và chống tàu ngầm, để bảo vệ lãnh hải. Ấn
Độ thì kết thân với Nhật Bản để thực hiện một liên minh bất thành văn về kinh
tế và quân sự. Các nước khác trong vùng đang chăm chú nhìn vào Mỹ, xem Mỹ hành
động ra sao trong việc đối phó với Trung Quốc qua chiến lược "xoay
trục về châu Á" và "tái quân bằng lực lượng". Người
ta hy vọng lời Đô Đốc Harry Harris Jr, Tư Lệnh Hạm Đội 7 sẽ được thực hiện khi có
biến: "Mỹ có thể dễ dàng điều lực lượng
hải quân có khả năng ứng phó nhanh tới nơi, hầu duy trì tình trạng an ninh và
ổn định khu vực" (VOA 2-4-15)
Ngoài phản ứng của các nước trong vùng,
tổ chức G 7, gồm 7 nước công nghiệp giầu nhất hoàn cầu (Mỹ, Canada, Đức, Anh,
Pháp, Ý, Nhật, không có Trung Quốc và Nga), trong phiên họp ngày 15-4-2015 tại
thành phố Lubeck (Đức), đã ra một Tuyên Bố về An Ninh Hàng Hải. Theo Japan
News, an ninh hàng hải lần đầu tiên trở thành chủ đề chính trong kỳ họp thường
niên của tổ chức này kể từ khi thành lập năm 1970. Trong Tuyên Bố trên, G 7 cho
hay sẽ tiếp tục theo dõi tình hình trên Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông. G 7
bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương, như cải tạo đất quy mô lớn, nhằm thay
đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở các vùng biển này. "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào nhằm khẳng định tuyên
bố chủ quyền hoặc hàng hải thông qua việc đe dọa, ép buộc hay xử dụng vũ lực",
Thông Cáo viết.
Xem ra Trung quốc không dễ dàng thực hiện
ý đồ xây đảo để án ngữ Biển Đông. Thế giới cũng không để cho Trung Quốc muốn
làm gì thì làm như chỗ không người. Còn Việt Nam thì sao?
TÌNH HÌNH
BIỂN ĐÔNG SẼ CÓ NHỮNG HẬU QỦA GÌ CHO VIỆT NAM?
Nhìn những việc xảy ra, người ta thấy
Việt Nam
có vẻ ngậm miệng, cúi đầu thần phục Trung Quốc. Tổng Bí Thư đảng cộng sản Nguyễn
Phú Trọng được Chủ Tịch Tập Cận Bình vời sang Trung Quốc trước khi Trọng đi Mỹ.
Tới Bắc Kinh ngày 7-4-2015, Trọng làm việc ngay với Tập Cận Bình và được Tập
nhắc nhở rằng hai nước phải giải quyết cuộc tranh chấp ở Biển Đông nhằm duy trì
hòa bình và ổn định. Tập Cận Bình không nói gì đến việc Trung Quốc xây cất trên
các đảo chiếm của Việt Nam, và Nguyễn Phú Trọng cũng không dám nhắc tới điều này,
chỉ dám trả lời là Việt Nam đánh giá cao quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, đó là
chính sách chiến lược lâu dài. Cuối buổi hội đàm, Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng
đã chứng kiến lễ ký 7 thỏa ước giữa hai
nước về những giao dịch thông thường, không có thỏa ước nào liên quan tới Biển
Đông. Thông Cáo Chung cũng không có một lời về những việc sôi bỏng đang diễn ra
ở vùng biển này. Coi như chuyện trời yên biển lặng. Như vậy là không thể trông cậy vào đảng cộng sản
Việt Nam
trong việc bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền và đòi lại những biển, đảo đã mất.
Những hành động có vẻ dám đương đầu với Trung
Quốc nằm ở phiá chính phủ. Sau khi Việt Nam hân hoan tiếp đón hai chiến hạm Mỹ
và Bộ Trưởng Hải Quân Mỹ Ray Mabus, ngày 14-4-2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao
Lê Hải Bình đã công khai lên án những hành động của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa. Ông Lê Hải Bình nói: "Mọi
hoạt động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên hai quần đảo này mà không có sự
cho phép của Việt Nam
là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị... Việt Nam kiên quyết phản đối các hành
động trên và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử
của các bên ở Biển Đông và đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn
định ở Biển Đông".
Chính phủ
Việt Nam
không dám công khai đương đầu với Trung Quốc như Phi Luật Tân, nhưng đã dám nói
và dám làm một số việc. Báo The
Economist cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã âm thầm xây dựng 25 cơ sở
trên những đảo Việt Nam còn giữ được trong quần đảo Trường Sa. Họ đã đưa súng lớn
và tăng cường các đơn vị quân đội trên các đảo này. Ngoài ra, các máy bay tiêm
kích cũng gia tăng các chuyến bay quan sát và bảo vệ trên bầu trời Biển Đông. Ngày
16-4-2015, hai phi cơ tiêm kích Su-22 đã mất tích ngoài biển, gần khu vực đảo Phú
Qúy, Bình Thuận. Chưa tìm ra nguyên nhân của việc mất tích này. Có nghi vấn là
hai máy bay đã bị hỏa tiễn của không quân hay hải quân Trung Quốc bắn hạ. Không
có lý hai máy bay đụng nhau hay cùng phát nổ vì lý do kỹ thuật. Nghi vấn càng
lớn hơn khi có thêm nguồn tin chưa được xác nhận là vào lúc 21 giờ 32 phút ngày
30-3-2015, Trung Quốc đã bắn hạ một phi cơ tiêm kích Su-22 M4 của trung đoàn
tiêm kích 929, căn cứ Sơn Trà, Đà Nẵng.
Vì vậy không
phải là sự tình cờ mà Hoa Kỳ bán cho Việt Nam 6 tàu cao tốc tối tân để làm công
tác tuần tra, cứu hộ và liên lạc với các đảo. Chính phủ Việt Nam phải lo việc
tự vệ. Nếu không sẽ chết chắc trong tay Trung Quốc. Muốn tự vệ và được bảo vệ
thì phải có chỗ dựa, có người đỡ lưng. Trong hoàn cảnh hiện tại, không ai khác ngoài
Hoa Kỳ. Vì vậy ta thấy sau khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ, đến lượt Bộ
trưởng Công an, rồi đến Phó Chủ Tịch Quốc Hội kiêm Ủy Viên Bộ Chính Trị Nguyễn Thị
Kim Ngân, phe Dũng, sang Mỹ nghiên cứu về cách tổ chức các định chế dân chủ (sic).
Nguyễn Phú Trọng cũng vội vàng xin đi gặp TT Obama để khỏi lép vế. Nhưng trước
khi đi Mỹ, Trọng đã được Tập Cận Bình gọi sang Bắc Kinh phủ dụ. Càng ngày người
ta càng thấy hố chia rẽ giữa phe Dũng và phe Trọng rộng thêm ra.
Trong khi đó, tình hình tại Việt Nam cũng đang
biến chuyển một cách rõ rệt. Có một đường ranh vô hình đã được vạch ra để phân
chia một bên là đảng và những người cầm quyền, một bên là tuyệt đại đa số nhân
dân. Phe có quyền nói cái gì dân cũng không tin, làm cái gì cũng bị dân chỉ trích,
phản đối. Nhẹ thì cãi lý và chửi thật mặt cảnh sát giao thông, công an, cán bộ.
Nặng thì xuống đường biểu tình, từ dân oan đòi đất đến dân Hà Nội phản đối việc
chặt cây xanh cổ thụ, từ dân Bình Thuận chặn quốc lộ, không cho xe cộ lưu hành,
để phản đối nhà máy điện gây ô nhiễm, đến hàng chục ngàn công nhân gần Sài Gòn
đình công đòi hủy bỏ luật bảo hiểm sức khỏe bất công. Dân không còn sợ hãi và
sẵn sàng biểu tình đấu tranh vì bất cứ lý do nào. Nhà cầm quyền chỉ có hai con
đường để chọn. Một là đàn áp. Nhưng đàn áp chỉ có thể thực hiện khi đương đầu với
một số người nhỏ. Một khi đám đông tăng lên hàng chục, hàng trăm ngàn hay hàng triệu,
lực lượng công an sẽ chạy hết nếu không muốn bị tiêu diệt. Lúc đó phải điều tới
quân đội. Có thể sau một loạt đạn gây máu đổ thịt rơi, các binh sĩ có còn đủ cứng
tay để tiếp tục bắn vào đám đông trong đó có cha mẹ, anh em, bạn bè của mình không?
Kinh nghiệm cho thấy là không. Việc quân đội hạ súng trước đám đông đã xảy ra ở
Ai Cập, Tunisie, và ngay cả tại các nước cộng sản Liên Xô và Đông Âu. Con đường
thứ hai là thực hiện cải cách theo ý dân. Để dân nổi dậy và đuổi đi thì mất
hết, kể cả tài sản lẫn mạng sống. Nhưng nếu chủ động sửa đổi, thêm hành động
bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì mạng sống, ghế ngồi và túi tiền sẽ được cứu vãn.
Qua giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, sẽ từ từ tìm cách hạ cánh và rút lui an toàn.
Đảng cộng sản Việt Nam đang chia
rẽ theo hai khuynh hướng nói trên. Phe Nguyễn Tấn Dũng có vẻ muốn đi con đường
thứ hai. Nhưng nếu muốn đi con đường này thì trước hết phải hạ hay làm tê liệt
phe chống đối trong đảng, đồng thời tìm được một anh Hai đứng sau lưng để có
thể đỡ đòn của anh Ba. Những vụ đột tử của Phạm Qúy Ngọ, Nguyễn Bá Thanh, những
bươi móc, hạ uy tín những nhân vật đối thủ của Nguyễn Tấn Dũng đã được trang
mạng Chân Dung Quyền Lực ngang nhiên thực hiện, không gặp một cản trở nào. Mặt
trận đã bầy ra. Một ăn cả, ngã về không. Đại Hội đảng kỳ thứ 12 đầu năm 2016 sẽ
làm sáng tỏ phe nào thắng và sẽ đưa đất nước đi theo hướng nào.
Trong mọi trường hợp, người dân phải luôn luôn
tỉnh táo và đóng vai chủ động. Đừng qúa tin vào những lời hứa hẹn hay giấc mơ
"bất chiến tự nhiên thành". Trận chiến trong nội bộ đảng đang xảy ra.
Trận chiến lớn giữa nhân dân và phe cầm quyền có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Những
biện pháp hòa hoãn hay cởi mở cũng có thể được đưa ra thi hành. Nhưng hãy coi
chừng. Khi phe nọ dẹp được phe kia, phe thắng có thể duy trì hay trở lại con
đường độc tôn, độc tài. Thay vì độc tài tập thể, sẽ trở thành độc tài cá nhân. Ngay
cả khi phe thắng muốn chọn con đường đổi mới, nếu nhân dân không cảnh giác và
giữ áp lực, nhân dân sẽ gặp cảnh "tránh
vỏ dưa, gặp vỏ dừa". Tóm lại, khi muốn dành tự do cho mình và chủ
quyền cho đất nước, nhân dân phải tùy tình hình và hoàn cảnh để áp dụng những
chiến thuật thích hợp. Không cứng rắn bảo thủ. Nhưng cũng đừng nhẹ dạ dễ tin.
Sau 40 năm, hy vọng chúng ta đã đủ khôn ngoan và kinh ngiệm để nhìn ra người
nào, việc nào thực sự phục vụ đất nước và dân tộc.
0 comments: